Ngày đăng: 01:58 PM 19/04/2020 - Lượt xem: 910
Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016 về nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố mới đây đã chỉ rõ những thách thức trong nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, chất lượng, tính bền vững trong tăng trưởng nông nghiệp và cách thức phát triển vẫn còn nhiều điều phải bàn. Tỷ suất lợi nhuận thấp trong các nông hộ nhỏ, tình trạng thiếu việc làm tương đối nghiêm trọng trong lao động nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm không ổn định, thậm chí còn ở mức thấp, trình độ đổi mới sáng tạo công nghệ và thể chế còn hạn chế… Tất cả các yếu tố đó đã thể hiện chất lượng tăng trưởng tương đối thấp của nông nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của bà Phạm Chi Lan, những thách thức trên lại chính là cơ hội mới cho việc chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam.
“Đến lúc này không thể không chuyển đổi đối với nông nghiệp, cần triển khai nhanh và bắt tay ngay lập tức. Nếu không, thách thức sẽ ập đến càng nan giải hơn như thách thức với biến đổi khí hậu mà không ai có thể ngờ lại xảy ra nhanh và mạnh như vậy,” bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Đối với khía cạnh xã hội, bà Phạm Chi Lan cho rằng yêu cầu phát triển công bằng cũng trở nên cần hơn bao giờ hết. Nông nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng nếu phát triển đúng đắn để đóng góp vào sự phát triển công bằng của Việt Nam. Trong thời gian tới, mục tiêu phát triển của Việt Nam sẽ không chỉ là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoặc chỉ tập trung vào tầng lớp trung lưu, mà phải phát triển một cách công bằng đối với các tầng lớp khác nhau.
“Sự phân hóa vùng miền và phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam đã tăng lên và trở thành thách thức cho sự ổn định của Việt Nam, cho nên khía cạnh công bằng trong phát triển cần phải được nhấn mạnh. Vai trò của khu vực tư nhân phải là động lực chính cho tăng trưởng chứ không như trước đây xem khu vực kinh tế nhà nước là chủ đạo”, bà Phạm Chi Lan nói.
Theo Báo cáo của WB, Việt Nam cần hiện thực hóa tầm nhìn thông qua đổi mới chính sách và thể chế trong nông nghiệp. Trong đó, Chính phủ cần “tăng kiến tạo, bớt chỉ đạo”. Nhà nước cần đầu tư có chọn lọc, tập trung vào những loại hàng hóa, dịch vụ công trọng điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc tiếp tục đầu tư vào hạ tầng nông thôn, các dịch vụ hành chính về đất đai, nâng cao năng lực thể chế về môi trường và sử dụng vật tư đầu vào, hoặc hỗ trợ các cơ chế chứng nhận, giám định an toàn thực phẩm, các chức năng quản lý liên quan, cũng như cung cấp dịch vụ an sinh.
Đồng ý với quan điểm của WB, nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng nông dân phải ở vị trí trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, để họ bớt đi sự thiệt thòi, nếu lợi ích của người nông dân được đảm bảo, họ sẽ có động lực để phát triển lâu dài.
Muốn đảm bảo lợi ích cho nông dân đòi hỏi vai trò của nhà nước, thị trường luôn có tình trạng doanh nghiệp có lợi ích lớn hơn so với lợi ích của nông dân, cho nên nhà nước cần phát huy vai trò để khắc phục khiếm khuyết của thị trường, đảm bảo lợi ích cho nông dân.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, nếu nông dân không có quyền sở hữu và sử dụng đất đai một cách đầy đủ, họ sẽ không thể tiếp tục làm giàu trên mảnh đất của mình. Cũng như đối với doanh nghiệp tư nhân, nếu trao cho họ quyền sử dụng đất trong nông nghiệp thì quyền tài sản cần được đảm bảo.
“Khi chưa thay đổi được quyền sở hữu về đất đai thì ít nhất quyền tài sản của nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải được đảm bảo. Đấy mới là tiền đề để nông dân và doanh nghiệp mới có thể mạnh dạn đầu tư lâu dài, mạnh dạn chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi đòi hỏi phải đầu tư cao hơn so với hiện nay, đáp ứng được yêu cầu về cạnh tranh và của thị trường hiện nay,” bà Phạm Chi Lan khuyến nghị.
Về chính sách đầu tư trong nông nghiệp, bà Phạm Chi Lan cho rằng cần xem lại chính sách đầu tư trong nông nghiệp để tạo sự cân đối giữa các ngành. Chúng ta đặt vai trò quan trọng của nông nghiệp với đóng góp cho GDP, bao gồm cả dịch vụ nông nghiệp, là 25%, lực lượng lao động chiếm 35%, nhưng ít nhất phải có sự đầu tư tương xứng.
Theo Infonet