Ngày đăng: 03:09 PM 19/04/2020 - Lượt xem: 1164
Cho đến bây giờ thì có lẽ đã khá nhiều người bắt đầu quen dần với tên gọi nghề nail cho công việc làm đẹp cho móng tay, móng chân của cánh chị em phụ nữ.
Không phải đến bây giờ nghề nail mới phồ biến tại Việt Nam, mà đã từ rất lâu hình ảnh những cô thợ sơn móng tay xách cả thùng đồ nghề đi lân la khắp nơi để chào mời làm đẹp đã không còn là xa lạ. Nhưng nghề nghiệp đặc biệt này chỉ được chú ý nhiều khi các Việt Kiều trở về nước và mang theo câu chuyện làm nghề nơi đất Mỹ với nghề nail. Đơn giản vì đây là nghề phổ biến gắn liền với tên người Việt Nam tại nơi xứ người. Và cái tên rất Tây “nghề neo” (nghề nail) cũng bắt đầu được sử dụng thay thế dần cho cụm từ “làm móng chân, móng tay” quen thuộc.
Không chỉ là nghề “sinh tồn”
Trước đây, nghề này vẫn bị cho là một trong những nghề không được thừa nhận và chỉ dành cho những người ít học, không có nghề nghiệp rõ ràng hoặc chỉ là một nghề “tạm”. Nhưng những năm gần đây, nghề nail đã trở thành một trong những nghề nghiệp “mới” được giới trẻ chú ý và tham gia rất hào hứng. Có người học để mở tiệm, có người học để tự chăm sóc cho bản thân nhưng cũng có người học chỉ vì tò mò, muốn tìm hiểu nhiều hơn về nghề.
Hơn thế nữa, cái nhìn cho nghề cũng ngày càng thay đổi hơn khi nhận được sự quan tâm của nhiều thành phần trong xã hội. Thậm chí, có bạn trẻ dù đã tốt nghiệp đại học chính quy hẳn hoi nhưng vẫn lựa chọn nail là nghề nghiệp kiếm sống của mình. Vũ Minh Phương – tốt nghiệp đại học kinh tế nhưng vẫn chọn cách mở tiệm nail để kinh doanh cho biết: “Sau một lần đi làm nail với người chị, mình bỗng nhiên có hứng thú với nghề này một cách kỳ lạ. Ra trường, sau khi dành một thời gian để tìm hiểu, mình quyết định cùng chị mở tiệm nail để kinh doanh. Phần vì yêu thích, phần vì mình thấy được tiềm năng khai thác nghề đang rất lớn tại Việt Nam
Mang đầy hơi thở cuộc sống và yếu tố nghệ thuật Để thực hiện được một bộ móng tay như ý cho khách, thợ nail phải rất chăm chú và tỉ mỉ trong từng thao tác của mình. Trước tiên, khách hàng sẽ được chăm sóc móng, tiếp đó, bằng các loại kềm cắt chuyên dụng, thợ nail sẽ bắt đầu công việc chăm sóc móng cho khách hàng. Nhưng công phu nhất và tạo nên “bản sắc” của mỗi thợ nail lại chính là phần cuối cùng: trang trí cho móng tay - thường được gọi là “nghệ thuật vẽ nail”. Và đây cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian học nhất của các học viên khi tham gia các khóa học. Ngay tại Kelly Pang – một trong những trung tâm đào tạo nail lớn nhất Sài Gòn cũng cho biết đây là giai đoạn chiếm nhiều thời gian nhất trong thời gian đào tạo thợ. Trong 7 môn học về nail (thời gian đào tạo 3 tháng) thì chỉ riêng phần nghệ thuật vẽ và gắn móng tay đã chiếm hết 5, 2 môn còn lại thuộc về chăm sóc móng và da tay. Chi phí học cho nail cũng không quá cao, chưa tới 1 triệu đồng cho một khóa học căn bản kéo dài 3 tháng. Các khóa học nâng cao tiếp theo chủ yếu là hướng dẫn các kỹ thuật vẽ và trang trí móng cao cấp với độ khó tăng dần.
Nghề nail cũng còn một đặc điểm khá lý thú có một không hai là việc “tám” với khách. Nhưng không phải thợ nail nào cũng là một “chuyên gia tâm lý” nên đôi khi khách đến tiệm chọn thợ không phải vì tay nghề mà là vì... “thấy nói chuyện hợp hơn”. Vì thế, thợ làm nail còn phải kiêm luôn việc “tám” với khách hàng cho đến hết buổi.
#Theo Infonet