Ngày đăng: 03:53 PM 19/04/2020 - Lượt xem: 1233
Một số nhà quản lý thường than phiền rằng nhân viên của mình không đủ tốt, mà không nhìn ra được vấn đề then chốt là, nhân viên bỏ việc không phải do nơi làm việc, mà là do chính nhà quản lý.
Không ai là hoàn hảo cả. Ngay cả những người lãnh đạo cũng có thể có khuyết điểm. Vì vậy, là một nhà quản lý, bạn cũng cần nhìn nhận dưới lăng kính của nhân viên với một góc nhìn mới. Hiểu hơn nhân viên của mình cũng chính là một cách để giúp doanh nghiệp đi lên. Liệu bạn có mắc phải những sai lầm sau khiến tinh thần làm việc của nhân viên đi xuống không?
Tiết kiệm lời khen
Sức mạnh của một cái vỗ nhẹ vào vai là vô cùng to lớn, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tinh thần của người khác. Tất cả mọi người đều muốn được khen ngợi. Một nhà quản lý cần biết cách động viên và khen thưởng với những cống hiến của nhân viên. Chỉ cần được sếp động viên, bất cứ nhân viên nào cũng sẽ trở nên hăng say làm việc.
Làm việc quá sức
Nghiên cứu mới đây của Đại học Stanford cho thấy, năng suất công việc sẽ giảm mạnh khi làm việc quá 50 giờ mỗi tuần, và gần như sẽ không thu nhận được gì khi làm việc quá 55 giờ mỗi tuần. Bắt nhân viên làm việc quá nhiều ngược lại có thể gây phản tác dụng. Một nhân viên tài giỏi có thể đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn nhưng họ cũng cần nhận được những điều xứng đáng với công sức bỏ ra, như tăng lương hay thăng chức.
Cản trở thăng tiến
Khi một nhân viên luôn chăm chỉ làm việc tốt, nhưng lại không được ông chủ công nhận và trao cơ hội, sự nhiệt tình của họ sẽ giảm dần. Cản trở thăng tiến là một sai lầm to lớn của những nhà quản lý. Khi may mắn có được một nhân viên tài năng, hãy giúp họ mở rộng kỹ năng và phát triển sự nghiệp. Làm được điều đó, bạn chắc chắn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo sáng suốt.
Đổ lỗi
Một ông chủ không thừa nhận sai lầm, luôn đổ lỗi cho người khác sẽ không bao giờ được tôn trọng và không thể mang lại kết quả tốt nhất cho công việc. Thay vì ngồi chỉ ngón tay khi gặp khó khăn, nhà lãnh đạo nên tập hợp sự đoàn kết của nhân viên và tập trung vào giải pháp xử lý, cũng như sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình.
Không tôn trọng
Khi nhân viên không nhận được sự tôn trọng mà họ đáng được hưởng, họ sẽ nhanh chóng đi tìm công việc khác. Bạn sẽ để vuột mất những nhân viên tài năng nếu không học cách tôn trọng và hòa đồng.
Không để nhân viên theo đuổi đam mê
Một nhân viên tài năng sẽ luôn có đam mê, và luôn cần được trao cơ hội để theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý lại bó buộc nhân viên của mình trong một khuôn khổ, bởi lo sợ năng suất công việc sẽ giảm nếu nhân viên không tập trung. Đây là một nỗi sợ vô căn cứ. Thực chất, những người được theo đuổi đam mê sẽ có một tâm trạng hưng phấn, giúp họ đạt được năng suất cao hơn gấp nhiều lần.
Một doanh nghiệp có phát triển hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhân viên. Nhân viên làm việc năng suất hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự lãnh đạo của nhà quản lý. Do đó, hãy trở thành người sếp tốt nhất có thể. Khi đó, bạn không chỉ nhận được sự tôn trọng, mà doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng đánh gục mọi khó khăn.